Từ khóa là gì? Làm cách nào tìm ra chúng

Kiến thức Seo


2 Tháng Ba, 2024



Nghiên cứu từ khóa đóng vai trò then chốt, quyết định thành bại của dự án SEO. Đồng thời, nó cũng chính là chìa khóa để giải mã hành vi của người dùng giúp những nhà quản trị website đưa ra những định hướng và chiến lược nội dung phù hợp tiếp cận khách hàng tiềm năng. Vậy từ khóa là gì? Nghiên cứu từ khóa như thế nào? Hãy cùng Webdanseo.com khám phá qua nội dung dưới đây nhé!

Từ khóa là gì?

Từ khóa (keywords) là những từ hoặc cụm từ được người dùng sử dụng để tìm kiếm thông tin trên các công cụ tìm kiếm (Google, Bing, Yahoo,…). Khi nhập những từ khóa này, công cụ tìm kiếm cụ thể là Google  sẽ trả về những trang có chứa thông tin tương ứng với từ khóa truy vấn.

Ví dụ: bạn muốn mua một chiếc laptop để chơi game, khi bạn nhập từ khóa “laptop gaming” lập tức Google sẽ trả lại cho bạn một loạt danh sách các trang website cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ có khả năng đáp ứng nhu cầu của bạn.

Có thể nói từ khóa chính là “sợi dây” kết nối giữa người dùng với những thứ họ mong muốn tìm kiếm. Đứng ở góc độ Marketing, từ khóa chính là cơ hội để thương hiệu xuất hiện trước người dùng. Để làm được điều này người làm SEO cần phải nắm bắt được những từ khóa người dùng tìm kiếm thông qua việc nghiên cứu và tối ưu thứ hạng của website.

Mỗi từ khóa sẽ tương ứng với các giai đoạn trong hành vi mua hàng của người tiêu dùng (Nguồn: Webdanseo)

Khi nào nên nghiên cứu từ khóa

Nghiên cứu từ khóa thường được bắt đầu vào giai đoạn lập kế hoạch triển khai SEO. Điều này sẽ giúp nhân viên SEO xác định được nhóm từ khóa chuyển đổi phù hợp với khả năng, đồng thời giúp lên kế hoạch định hướng phát triển website trong dài hạn, đặc biệt là đối với các website mới.

Cấu trúc của từ khóa

Như đã đề cập từ đầu từ khóa là một cụm từ được ghép lại từ nhiều từ đơn lẻ. Xét về cấu tạo, từ khóa bao gồm 2 thành phần chính: từ gốc (Head) và từ bổ nghĩa (Modifier) đứng trước từ khóa, hoặc đứng sau khi ghép lại sẽ tạo thành một cụm có ý nghĩa. Ví dụ từ khóa “laptop gaming asus giá rẻ”.

Việc nắm cấu tạo của từ khóa rất quan trọng, nó chính là cơ sở để bạn phát triển bộ từ khóa dành riêng cho website, cái này tôi sẽ nói rõ hơn ở phần nghiên cứu từ khóa

Các kiểu phân loại từ khóa

Phân loại từ khóa theo ý định tìm kiếm

Đằng sau mỗi từ khóa đều ẩn chứa ý định của người dùng, việc nghiên cứu từ khóa không chỉ dừng lại việc xác định những từ khóa nào mà người dùng quan tâm mà cần phải hiểu được ý nghĩa hành vi từ đó thỏa mãn nhu cầu của họ. Về cơ bản, ý định tìm kiếm được chia thành 04 loại.

Thông tin (Informational): Đây là loại truy vấn hướng đến mục đích tìm kiếm thông tin, giải quyết một vấn đề nào đó của người dùng. Những từ khóa này thường sẽ kèm theo modifier: là gì, như thế nào, ở đâu, khi nào …

Tôi có thể lấy ví dụ từ khóa “laptop gaming” mà tôi đã có đề cập ở trên để giúp bạn dễ hiểu hơn. Hãy tưởng tượng bạn nghe những người khác nói về laptop gaming, nhưng từ này đối với bạn thật lạ lẫm, bạn lên Google và gõ cụm từ “laptop gaming là gì?”. Khi này Google sẽ trả bạn một loạt trang có bài viết hoặc một đoạn trích nổi bật (Rich Snippet) giúp bạn hình dung được laptop gaming là “loại laptop chuyên game, có cấu hình xử lý mạnh được thiết kế đặc biệt, …bla..bla”

Kết quả Google trả về khi người dùng tìm kiếm “laptop gaming là gi” (Nguồn: Webdanseo.com)

Điều tra thương mại (Commercial keywords):  Đây là truy vấn mà người dùng đã có ý định mua sản phẩm/ sử dụng một dịch vụ nào đó, tuy nhiên họ cần thêm thông tin trước khi quyết định. Mục tiêu của người dùng đó là dùng kết quả của Google để cân nhắc xem những thương hiệu nào sẽ đáp ứng yêu cầu của họ. Một số modifier thường sử dụng như: “review, có tốt không, giá rẻ, tốt nhất, so sánh, chính hãng, gần đây” hay thậm chí có cụm từ “lừa đảo” để xác minh mức độ uy tín của thương hiệu.

Giao dịch (Transactional): Đây là truy vấn mà người dùng đang muốn sử dụng dịch vụ hoặc mua hàng hóa. Các modifier được xuất hiện trong cụm từ như: “mua”, “đặt hàng”, “đăng ký”, “tải về”, “báo giá”,… Ngoài nhưng từ này, một số những từ trong cụm có tác dụng kích thích người dùng mua hàng như: “giảm giá”, “khuyến mãi”, “voucher”, “sale off”.

Điều hướng (Navigation): Đây là truy vấn mà người dùng muốn Google điều hướng đến một website mà họ mong muốn. Những từ khóa mà người dùng truy vấn thường là tên thương hiệu cung cấp những sản phẩm/dịch vụ mà họ biết.

Một ví dụ dễ hiểu và hài hước đó chính là Facebook, hầu hết chúng ta khi search từ khóa “Facebook” trên Google đều không phải là muốn tìm hiểu về Facebook mà muốn công cụ tìm kiếm trực tiếp đưa họ đến trang đăng nhập/đăng ký của Facebook.com. Thật khó lý giải, nhưng hãy tưởng tượng là người dùng không hề biết trang website Facebook có domain (tên miền) là Facebook.com. Do đó, họ search tên thương hiệu chính là cách mà người dùng kiểm tra xem thương hiệu này có trên internet hay không và nếu có website của Facebook là gì?

Với cách phân loại này, sẽ giúp bạn xây dựng nội dung phù hợp tương ứng với hành vi tìm kiếm. Đồng thời giúp bạn bám đuổi, dẫn dắt người dùng từ người lạ trở thành khách hàng của thương hiệu.

Phân loại từ khóa theo độ dài của từ khóa

Từ khóa ngắn (Short tails keywords): Từ khóa ngắn là những cụm từ dưới 3 từ, thường là những từ khóa có ý định rất chung chung, không cung cấp nhiều thông tin cũng như ngữ cảnh mà người dùng đang tìm kiếm.

Từ khóa trung bình (Mid tails keywords): Từ khóa có độ dài hơn so với từ khóa ngắn, từ khóa trung bình có độ dài từ 3 -5 từ, thường đi kèm tiền tố hoặc hậu tố cung cấp nhiều thông tin hơn.

Từ khóa dài (Long tails keywords): Từ khóa có độ dài hơn 5, cung cấp thông tin chi tiết về ý định tìm kiếm và ngữ cảnh.

Ví dụ khi ta nhập từ khóa “laptop gaming”, công cụ Google Suggest sẽ gợi ý cho chúng ta một số từ khóa như hình.

Các từ khóa Google gợi ý khi truy vấn “laptop gaming” (Nguồn: Webdanseo.com)
  • Từ khóa “laptop gaming” thuộc dạng từ khóa ngắn (2 từ). Với từ khóa này ý định tìm kiếm rất chung chung, không rõ này đang muốn tìm loại laptop gì? (tình trạng, giá cả, thương hiệu)
  • Từ khóa “laptop gaming cũ” thuộc dạng từ khóa trung bình (3 từ). Từ khóa này có thêm tiền tố “cũ”, mô tả ý định tìm kiếm rõ hơn. Khi người dùng muốn google cung cấp danh sách website đang bán các dòng sản phẩm / thông tin laptop seconhand.
  • Từ khóa “laptop gaming asus rog strix g15…” thuộc dạng từ khóa dài (8 từ). Khi người dùng sử dụng từ khóa này để tìm kiếm. Ý định của người dùng thể hiện quá rõ ràng và hiểu được rằng họ đang muốn Google cung cấp thông tin của chiếc laptop asus rog strix g15 model g513rc thay vì thông tin của một chiếc laptop nào khác.

Với cách phân loại này, sẽ giúp các bạn làm SEO phần nào xác định độ khó của từ khóa. Để hình dung cho dễ, các bạn có thể xem biểu đồ tương quan giữa “lượng tìm kiếm” và “độ dài của từ khóa”.

Mức độ cạnh tranh của từ khóa theo độ dài và lượng tìm kiếm (Nguồn: Internet)

Các từ khóa ngắn là những từ khóa có lượng search rất cao, hầu như bất kì chủ website nào cũng mong muốn website mình lên TOP khi người dùng search những từ khóa này. Do đó, độ cạnh tranh của những từ khóa ngắn rất cao, chỉ những website mạnh mới có khả năng đẩy những từ khóa này.

Còn lại, giữa từ khóa dài và từ khóa trung bình thì từ khóa độ dài trung bình được xem là “dễ thở” nhất thường được lựa chọn để tối ưu thứ hạng website. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà bạn bỏ qua những từ khóa dài, vì thực tế những từ này thể hiện rất rõ mục tiêu tìm kiếm giúp cho người SEO triển khai nội dung phù hợp và có khả năng chuyển đổi.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của tôi đó là khi lựa chọn từ khóa không nên quá chú tâm vào độ dài của từ khóa mà còn phải dựa trên mục đích “lượng truy cập” hay “chuyển đổi khách hàng”. Bên cạnh đó, khi triển khai từ khóa SEO không nên bỏ bất cứ từ khóa tiềm năng nào cho dù đó là từ khóa dài hay ngắn, mà thay vào đó hãy sắp xếp kế hoạch đẩy từng từ khóa từ dễ cho đến khó.

Ngoài những phân loại từ khóa cơ bản kể trên, còn rất nhiều dạng từ khóa khác như LSI keyword, Phantom Keyword, Semantics Keyword.

Nghiên cứu từ khóa như thế nào?

Để phục vụ nghiên cứu từ khóa hiệu quả, chuẩn bị công cụ nghiên cứu

  • Ahreft
  • Semrush
  • Google Sugestion
  • Google Keyword Planer
  • Keywordtool.io
  • Google Trend

Có khá nhiều công cụ nghiên cứu từ khóa ở trên, nhưng mình sẽ sử dụng Semrush, bởi vì đây là công cụ đang được đông đảo anh em trong nghề sử dụng.

Bước 1: Bắt đầu với từ khóa mồi

Như mình đã đề cập, để có được một bộ từ khóa để SEO trước hết chúng ta cần từ khóa mồi hay seading keyword. Mục đích chính những từ khóa này sẽ giúp chúng ta để tìm ra tất cả các thể loại từ khóa mà mình đã đề cập bên trên.Vậy làm sao để tìm ra từ khóa mồi? Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi như sau:

  • Nếu bạn đang nghiên cứu từ khóa cho website thương mại. Vậy sản phẩm/dịch vụ của bạn đang kinh doanh là gì? Chẳng hạn: bán máy vi tính, bán điện thoại, bán xe máy, bất động sản, phòng khám nha, thẩm mỹ viện, spa v.v… Nếu cần thiết hãy đóng vai mình là khách hàng hoặc hỏi người xung quanh họ sẽ sử dụng từ gì để tìm kiếm những thứ trên.
  • Còn nếu bạn đang nghiên cứu từ khóa blog/tin tức. Vậy website của bạn viết về chủ đề hay lĩnh vực gì? Chẳng hạn; du lịch, công nghệ, sức khỏe, luật pháp, kiến thức đời sống v.v..

Lưu ý: Hãy làm việc một cách nghiêm túc và đừng hời hợt vì nó liên quan đến chiến lược xây dựng nội dung và cấu trúc website sau này.

Có thể bạn đang rối tung rối mù khi tìm đường trả lời cho câu hỏi trên phải không nào? Đừng lo lắng, đơn giản thôi hãy liệt kê chúng ra trên excel sau đó hãy nhóm chung lại. Cái này mình khuyến khích tất cả các bạn vì càng chi tiết thì càng giúp các bạn dễ dàng hơn cho việc xây dựng bộ từ khóa cũng như cấu trúc website sau này. Chẳng hạn tôi đang có ý định mở một cửa hàng kinh doanh laptop và linh kiện để build máy tính bàn.

(Nguồn: Webdanseo.com)

Bước 2: Sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa SEO

Ở bước này mình sẽ lần lượt bỏ từ khóa mồi vào trong “keyword magic tool” của SEMRUSH và chỉnh vị trí của công cụ là Việt Nam. Sau đó nhấn vào nút “Tìm Kiếm”.

Giao diện công cụ Keyword Magic Tool nằm trong Semrush (Nguồn: Webdanseo.com)

Semrush sẽ trả lại danh sách một loạt từ khóa mới dựa trên việc đối sánh với từ khóa mồi “laptop” được nhập vào khi nãy. Khi này, số lượng từ khóa mà Semrush trả lại cho bạn lên tới  từ khóa: 252.990 từ khóa, một con số khá lớn.

(Nguồn: Webdanseo.com)

Nếu làm theo cách cũ, người làm SEO sẽ phải ngồi lọc, bóc tách thủ công và phân nhóm các từ khóa chung ý định lại với nhau. Mặc dù, công đoạn này tốn rất nhiều thời gian và công sức, theo kinh nghiệm của tôi không nên áp dụng cách này, đặc biệt là đối với một số lượng lớn từ khóa như trên.

Để tiết kiệm công sức, tôi sẽ áp dụng các bộ lọc “Filter” của SEMRUSH để giảm số lượng từ khóa và lấy ra được những từ khóa mà mình cần. Ở đây sẽ thiết lập một bộ lọc để lấy ra những từ khóa thông tin (Information) như sau:

  • Đối sánh chính xác từ khóa “laptop”
  • Sử dụng ngôn ngữ: Tiếng Việt
  • Số lượng tìm kiếm: 101 – 1000
  • Độ khó từ khóa (KD): 0 – 50%
  • Mục đích: Thông tin
  • Số lượng từ: Từ 4 từ trở lên
  • Loại trừ từ khóa: Hà Nội, Hải Phòng, Long An, …
(Nguồn: Webdanseo.com)

Kết quả số lượng từ khóa giảm chỉ còn 1765 từ khóa, ít hơn rất lần so với trước. Để có được những thông số này, trước tiên các bạn cần phải xác định mục đích SEO là gì (tăng lượng truy cập hay số lượng từ khóa lên TOP) từ đó lựa chọn vol search (số lượng tìm kiếm) và độ khó từ khóa phù hợp. Tất nhiên, các bạn có thể tự đề ra những tiêu chí theo kinh nghiệm của mình.

Sỡ dĩ tôi có bộ lọc này là do các từ khóa khi lên TOP đầu sẽ có tỷ lệ nhấp chuột khoảng 20 – 30% do đó nếu chọn những từ khóa có lượng nhấp vào dưới 100, website của tôi sẽ có rất ít người truy cập. Do nhắm tới đối tượng đầu tiên của phễu chuyển đổi, từ khóa của tôi sẽ tập trung vào từ khóa tìm kiếm thông tin (những từ này thường dưới dạng câu hỏi, từ 04 từ trở lên). Và tôi cũng chọn độ khó của từ khóa ở mức tương đối để phù hợp với khả năng.

Tuy nhiên, số lượng 1765 từ này vẫn khá lớn và vẫn chứa nhiều từ khóa không hề liên quan nằm ngoài danh mục kinh doanh. Điều chúng ta cần làm đó là tiếp tục sàng lọc trên SEMRUSH.

(Nguồn: Webdanseo.com)

Sau khi tích chọn những từ khóa phù hợp, công việc còn lại của các bạn là xuất file danh sách từ khóa và chuyển sang bước tiếp theo.

Bước 3: Phân loại & gộp nhóm từ khóa

Với danh sách từ khóa mà bạn thu được ở bước 2, thì bạn chưa thể bắt đầu triển khai SEO được vì số lượng vẫn còn quá lớn và khi đẩy top từ khóa không thể nào đẩy TOP hết được.

Lướt một lượt từ trên xuống dưới, tôi thấy các vấn đề mà người dùng truy vấn lần lượt liên quan đến “wifi”, “bluetooth”, “loa”, “màn hình”, “ram”, “bàn phím” … và đây chính là cách tôi sẽ phân loại vấn đề của người dùng dựa trên từ khóa mà họ tìm kiếm.

(Nguồn: Webdanseo.com)

Hơn nữa, người dùng sử dụng rất nhiều cụm từ truy vấn nhưng thực tế, nhiều câu vẫn hướng đến chung một kết quả tìm kiếm. Chẳng hạn từ khóa “bật bluetooth trên laptop” “cài bluetooth cho laptop” thực chất vẫn là người dùng đang tìm hướng dẫn về cách kết nối bluetooth trên laptop. Do đó, điều tôi phải làm đó là gom các từ khóa này lại thành một nhóm lại với nhau theo Parent keyword. Ví dụ gộp nhóm từ khóa người dùng đang gặp vấn đề với bluetooth của laptop.

(Nguồn: Webdanseo.com)

Dựa vào phán đoán cá nhân và kiểm tra lại kết quả tìm kiếm trên Google của từng từ khóa, tôi đã nhóm được một số keyword sau:

  • Cách bật bluetooth trên laptop
  • Cách kết nối bàn phím bluetooth với laptop
  • Cách kết nối laptop với tai nghe bluetooth
  • Kết nối chuột bluetooth với laptop
  • Kết nối laptop với tivi qua bluetooth

…..

Với số lượng này, công việc còn lại của tôi chỉ là chọn ra đâu là từ khóa tiềm năng để làm từ khóa chính và phụ để triển khai SEO.

Bước 4: Phân tích thêm từ khóa đối thủ

Thật không dễ dàng gì để đứng top trong công cụ tìm kiếm của google, do đó chúng ta cần phải học hỏi những người đứng đầu này. Theo kinh nghiệm của bản thân, mình sẽ lựa chọn những domain nằm trong top và có số lượng từ khóa lớn để tham khảo. Ví dụ, tôi sẽ lấy từ khóa “cách bật bluetooth trên laptop” để tìm ra những website đang SEO từ khóa này trên SEMRUSH.

(Nguồn: Webdanseo.com)

Ở đây, tôi sẽ chọn “thegioididong.com” để tham khảo vì brand có lượng từ khóa rất lớn (420 từ khóa) như hình. Và tất nhiên, chúng ta cũng cần phải lọc lại để có được một bộ từ khóa tốt nhất nhé!

(Nguồn: Webdanseo.com)

Còn nhớ danh sách sản phẩm/dịch vụ mà bạn đã liệt kê đấy chứ. Tương tự, hãy làm theo cách trên và khám phá những từ khóa họ đang SEO nhé.

Lưu ý: Không phải website nào xuất hiện trên công cụ tìm kiếm Google cũng đều là đối thủ SEO của bạn. Bạn cần cân nhắc loại trừ nếu những website này không thuộc ngành hoặc có bán sản phẩm thay thế (đối thủ trực tiếp và gián tiếp) với sản phẩm của bạn.

Bước 5: Bổ sung từ khóa liên quan

Việc SEO không chỉ tập trung vào một vài từ khóa, vì Google sẽ phân tích mọi từ khóa để khám phá ra mối liên hệ giữa chúng với nhau. Do đó, dù trong các bước nghiên cứu từ khóa các bạn có thể dừng khi có được số từ khóa mình cần. Nhưng mình vẫn khuyến khích các bạn tìm thêm vừa thêm đa dạng cho từ khóa SEO vừa tăng độ liên quan của nội dung. Vì bài viết khá dài và không muốn bị lan man nên mình sẽ dành một bài viết riêng hướng dẫn cụ thể về cách làm.

Nếu những bước trên làm bạn khó hiểu, thì hãy tham khảo bài viết: Nghiên cứu từ khóa SEO cơ bản cho người mới bắt đầu

Tạm kết

Theo mình đã là người làm SEO, thì công việc nghiên cứu từ khóa nên làm thường xuyên. Vì nó giúp bạn tìm ra được những từ khóa mới, tiềm năng giúp đẩy thứ hạng cũng như dòng chảy traffic về website của bạn. Đây là cơ hội rất tốt để tăng độ nhận diện thương hiệu giúp cho khách hàng lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của bạn nhiều hơn thay vì chỉ mục tiêu lên TOP từ khóa.

Hy vọng, những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc nghiên cứu từ khóa cho website của mình. Nếu thấy hay và hữu ích hay lưu lại hoặc chia sẻ bài viết đến những người quan tâm. Hoặc, nếu bạn muốn sử dụng một phần hay toàn bộ bài viết này, xin vui lòng trích nguồn webdanseo.com. Xin cảm ơn!

Bình Phan
Tôi là Phan Trác Bình, một kẻ ngoại đạo tự lao vào Digital Marketing từ 2019. Từ những kinh nghiệm đã tích lũy từ công việc, học hỏi từ những người đi trước. Tôi mong Blog này sẽ kết nối tôi với những người chung lĩnh vực marketing online. Hy vọng trang web này sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho những người đã và đang làm công việc giống như tôi.